QUY CHẾ TIỀN LƯƠNG TRONG DOANH NGHIỆP & CÁCH THỨC TỔ CHỨC, ĐIỀU HÀNH HỆ THỐNG TRẢ CÔNG LAO ĐỘNG ?

Chính sách tiền lương góp phần nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người lao động và giảm chi phí tiền lương trong giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Khi xây dựng chiến lược, chính sách trả công lao động trong doanh nghiệp phải phản ánh được ba nội dung chính: Cạnh tranh với thị trường lao động bên ngoài; Công bằng và hiệu quả bên trong nội bộ; Cách thức tổ chức, điều hành hệ thống trả công lao động.

Chính sách tiền lương góp phần nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người lao động và giảm chi phí tiền lương trong giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Khi xây dựng chiến lược, chính sách trả công lao động trong doanh nghiệp phải phản ánh được ba nội dung chính: Cạnh tranh với thị trường lao động bên ngoài; Công bằng và hiệu quả bên trong nội bộ; Cách thức tổ chức, điều hành hệ thống trả công lao động.

Cách thức tổ chức, điều hành hệ thống trả công lao động thông qua việc doanh nghiệp xây dựng Quy chế tiền lương phù hợp với Chiến lược phát triển kinh doanh từng giai đoạn và áp dụng chung trong doanh nghiệp.

Quy chế tiền lương trong doanh nghiệp thường liên quan đến các vấn đề cơ bản sau:

1. Quy định về nguyên tắc xác định quỹ lương doanh nghiệp

Quỹ lương doanh nghiệp có thể được xác định theo 4 cách sau đây:

- Quỹ lương doanh nghiệp được xác định bằng tỷ lệ phần trăm so với doanh thu. Cách xác định quỹ lương này khuyến khích CBCNV tăng doanh thu nhưng chưa gắn với lợi nhuận doanh nghiệp. Tốc độ tăng doanh thu có thể thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng chi phí, do đó cách xác định quỹ lương theo tỷ lệ phần trăm so với doanh thu chỉ nên áp dụng trong giai đoạn đầu doanh nghiệp mới thâm nhập thị trường.

- Quỹ lương doanh nghiệp được xác định bằng tỷ lệ phần trăm so với doanh thu trừ đi tổng chi phí không tính đến chi phí lương. Cách xác định quỹ lương này khuyến khích CBCNV quan tâm vừa tăng doanh thu vừa sử dụng chi phí hiệu quả, gắn thu nhập của CBCNV với lợi nhuận doanh nghiệp.

- Quỹ lương doanh nghiệp được xác định bằng đơn giá gia công * sản lượng hoặc tỷ lệ % so với doanh thu gia công. Áp dụng khi doanh nghiệp nhận gia công cho doanh nghiệp khác.

- Quỹ lương doanh nghiệp được xác định theo tổng hệ số lương, mức lương tối thiểu trong doanh nghiệp và các khoản phụ cấp, bảo hiểm,…Cách xác định quỹ lương này không khuyến khích các phòng ban, bộ phận tinh giản biên chế, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực do đó không nên áp dụng trừ khi doanh nghiệp có thể định biên chính xác nhân sự cho từng bộ phận.

2. Quy chế xếp lương, tăng lương và những điều khoản quy định cụ thể làm cơ sở cho việc trả lương, thưởng, phúc lợi như: cách tính lương sản phẩm, lương thời gian, phụ trội, bồi dưỡng lao động trong những điều kiện vệ sinh không thuận lợi; các loại khen thưởng, mức độ khen thưởng; các loại phúc lợi trong doanh nghiệp và điều kiện được hưởng các loại phúc lợi.

3. Quy chế trả lương cho các cá nhân có trình độ lành nghề, thâm niên, năng suất, trình độ học vấn khác nhau khi thực hiện cùng một loại công việc. Thông thường, những nhân viên có thâm niên cao hơn, có trình độ học vấn cao hơn, có khả năng hoàn thành công việc tốt hơn thường muốn được trả lương cao hơn và yêu cầu chính đáng này cần được doanh nghiệp quan tâm thích đáng. Các biến số chủ yếu liên quan đến việc trả lương cho cá nhân gồm có: a) kết quả thực hiện công việc; b) kỹ năng, kinh nghiệm và c) tiềm năng phát triển.

a) Kết quả thực hiện công việc. Sự khác biệt trong kết quả thực hiện công việc là điều hợp lý và dễ chấp nhận để trả lương khác nhau cho các nhân viên khác nhau. Nhân viên làm tốt hơn, có chất lượng thực hiện công việc tốt hơn cần được trả lương cao hơn.

b) Kỹ năng, kinh nghiệm. Kỹ năng, kinh nghiệm thường thể hiện qua hai yếu tố thâm niên làm việc và trình độ học vấn của nhân viên. Do đó, tiền lương của nhân viên thường được tăng lên theo thời gian làm việc và trình độ học vấn. Khi nhân viên có được bằng cấp học vị cao hơn bằng Cử nhân, Cao học,…họ sẽ thường được trả thêm một khoản tiền lương nhất định. Điều này kích thích nhân viên học hỏi nâng cao trình độ. Sau những khoảng thời gian thâm niên phục vụ nhất định, nhân viên có thể tích luỹ thêm kỹ năng, kinh nghiệm và được tăng lương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thâm niên không phải luôn song hành cùng kỹ năng, kinh nghiệm. Có những người không có ý thức học hỏi để hoàn thiện công việc nên sau nhiều năm làm việc vẫn không có kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết để thực hiện tốt công việc. Do đó, việc trả lương theo thâm niên sẽ tạo ra mâu thuẫn giữa những lao động có thâm niên nhưng kết quả làm việc thấp vẫn được hưởng lương cao so với lao động trẻ, ít thâm niên nhưng có kỹ năng, kinh nghiệm làm việc tốt và đạt được kết quả công việc tốt.

Vì tiền lương là trả theo lao động lành nghề và trách nhiệm, nên khi CBCNV đảm nhận thêm trách nhiệm hoặc tăng trình độ lành nghề, sẽ được tăng lương. Các CBCNV có nhiều năm thâm niên, nên được hưởng các chế độ phúc lợi của doanh nghiệp như: *tăng ngày nghỉ phép, được quà tặng có giá trị nhân ngày tròn 10 năm, 20 năm,…làm việc cho doanh nghiệp, được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế tốt hơn, được ưu tiên cấp nhà hoặc thuê nhà công ty giá rẻ,…*nhằm kích thích họ trung thành và gắn bó hơn với doanh nghiệp.

c) Tiềm năng phát triển. Những nhân viên có tiềm năng xuất sắc thường được trả lương cao hơn. Đối với các sinh viên mới tốt nghiệp, do họ chưa thể hiện rõ được các tiềm năng phát triển nên quyết định trả lương cho họ thường phụ thuộc vào kết quả học tập ở đại học, khả năng thủ lĩnh hoặc các kết quả nghiên cứu. Sau đó, khi nhân viên đã làm việc cho doanh nghiệp một thời gian, nhân viên sẽ được trả lương theo kết quả thực tế thực hiện công việc, không phải theo khả năng tiềm tàng trong tương lai nữa.

Vậy lợi ích, căn cứ xây dựng mức lương và quy trình xây dựng Quy chế tiền lương như thế nào?

1- Lợi ích mang lại từ Quy chế tiền lương tốt

Một hệ thống tiền lương và tiền công tốt sẽ duy trì đội ngũ hiện tại và đảm bảo đối xử công bằng với tất cả mọi người, có tác dụng nâng cao năng suất và chất lượng lao động, giúp doanh nghiệp thu hút và duy trì được những nhân viên giỏi. Vậy các lợi ích mang lại từ Quy chế tiền lương tốt là:

*Giúp thu hút và giữ lại các nhân viên cần thiết

* Không phải trả tiền lương và tiền công quá cao

* Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác trả lương hàng ngày

* Giúp giải thích cho nhân viên về những chênh lệch tiền lương

* Tạo một cơ sở vững chắc để ước tính quỹ lương

2- Dựa vào đâu để ấn định mức lương ?

Để xây dựng được mức lương đảm bảo được tính hợp lý, khách quan và chính xác thì doanh nghiệp phải có năng lực nghiên cứu vấn đề tiền lương dựa trên 3 phương diện: Quy định của pháp luật, thị trường bên ngoài và những yêu tố bên trong doanh nghiệp.

2.1. Quy định của Pháp luật:

Tìm hiểu và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về các vấn đề lao động trước khi xây dựng cơ chế trả lương là việc làm bắt buộc. Doanh nghiệp cần lưu ý đến các vấn đề như mức lương tối thiểu Nhà nước quy định hợp đồng và lương thử việc, lương thời vụ, lương trong kỳ thai sản, ốm đau, nghỉ việc…

2.2. Thị trường bên ngoài:

* Khảo sát mức lương trên thị trường lao động: Liên tục rà soát lại các mức lương trong doanh nghiệp của bạn dựa trên các mức lương của đối thủ cạnh tranh và dựa trên mức lương chuẩn trên thị trường. Điều này sẽ làm cho nhân viên hết băn khoăn xem mức lương hiện tại của họ có cạnh tranh không?

* Tính đến yếu tố biến động của giá cả sinh hoạt: Khi xác định mức lương cần xem xét đến yếu tố biến động của giá cả sinh hoạt. Khi nền kinh tế quốc dân vẫn còn trong giai đoạn chuyển đổi và mức lương chung còn thấp, việc xem xét các nhu cầu cơ bản của con người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

2.3. Các yếu tố bên trong doanh nghiệp

**Xác định đơn giá và quỹ tiền lương của doanh nghiệp*: Xác định doanh nghiệp cần phải chi bao nhiêu cho tiền lương và tỷ lệ trên doanh thu là bao nhiêu và đó chính là đơn giá tiền lương trong năm. Đơn giá này sẽ là cơ sở để xác định lương cơ bản cho các nhóm chức danh, căn cứ để tính lương khoán trên doanh thu hay đơn vị sản phẩm.

** Phản ánh giá trị công việc*: Khi xác định mức lương cho một người, phải xem xét giá trị công việc người đó mang lại cho doanh nghiệp.

* *Thâm niên công tác*: Mặc dù giá trị công việc là yếu tố chính trong quy trình xác định mức lương song vẫn phải xem xét các yếu tố như thâm niên công tác (số năm phục vụ, kinh nghiệm…) theo các giá trị xã hội phổ biến.

** Căn cứ vào kết quả làm việc*: Việc tăng lương và chia tiền thưởng phải dựa trên kết quả làm việc. Cần phải có một hệ thống đánh giá kết quả làm việc hoàn chỉnh để tạo động lực cho những nhân viên có kết quả làm việc cao.

3- Quy trình xây dựng Quy chế tiền lương trong doanh nghiệp**

Nhận thức được tầm quan trọng của quy chế tiền lương trong doanh nghiệp và có được những kiến thức cơ bản về vấn đề lương người chủ doanh nghiệp sẽ xây dựng được một quy chế tiền lương theo quy trình đơn giản sau:

***Bước 1: Lấy ý kiến và quan điểm của nhân viên***

Mục đích của trưng cầu ý kiến nhân viên là để tránh được những sai lầm mang tính chủ quan, áp đặt. Ngoài ra còn cho người lao động cảm thấy được tôn trọng vì họ được tham gia quyết định việc tính lương. Vì vậy các vấn đề sau cần được trưng bày ý kiến:

(*1) Ưu điểm của cơ chế trả lương hiện tại?*

*(2) Nhược điểm của cơ chế trả lương hiện tại?*

*(3) Những vấn đề cần khắc phục?*

*(4) Mong muốn và quan điểm của mỗi người về tính hợp lý, sự công bằng trong cách tính lương?*

***Bước 2: Chủ doanh nghiệp soạn thảo Quy chế tiền lương***

Sau khi thực hiện xong bước 1 thì người chủ doanh nghiệp tổng hợp các ý kiến lại để xem xét. Đồng thời dựa vào các yếu tố để ấn định mức lương ở trên để soạn thảo quy chế tiền lương cho doanh nghiệp mình.

***Bước 3: Ban hành, áp dụng và định kỳ đánh giá, sửa đổi, bổ sung quy chế***

Trước khi ban hành áp dụng quy chế cần họp phổ biến và lấy ý kiến của nhân viên. Quy chế lương càng rõ ràng, minh bạch thì tinh thần và động lực của nhân viên càng cao. Mức trả cho mỗi người là bí mật nhưng cách tính lương phải rõ ràng và dễ hiểu. Sau khi áp dụng, nên nhớ rằng cơ chế hoặc chính sách trả lương không thể là bất biến mà nó cần được xem xét và đánh giá, sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh kinh doanh và những yêu cầu mới, phù hợp với Chiến lược kinh doanh của Công ty từng giai đoạn.

Đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn, Bộ phận Nhân sự chịu trách nhiệm xây dựng dự thảo Quy chế tiền lương, sau khi lấy ý kiến, thống nhất với các bộ phận, phòng ban thì trình Ban lãnh đạo Công ty để phê duyệt, sau đó ban hành, áp dụng, đánh giá và sửa đổi, bổ sung quy chế cho phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp.

(Sưu tầm)

Các tin tức khác

Contact Us

©2020 by Goasone