BẢO HIỂM XÃ HỘI RÚT MỘT LẦN: Cập nhật mới nhất điều kiện, mức hưởng năm 2023 & Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2025 đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm
NGƯỜI LAO ĐỘNG MUỐN RÚT BHXH MỘT LẦN NĂM 2023 THÌ CẦN ĐIỀU KIỆN GÌ? MỨC HƯỞNG BHXH MỘT LẦN NĂM 2023 LÀ BAO NHIÊU?
I- ĐIỀU KIỆN RÚT BHXH MỘT LẦN NĂM 2023
Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà có yêu cầu thì được rút BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(1) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH (hoặc chưa đủ 15 năm đóng BHXH đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phương, thị trấn) và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
(2) Người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau 01 năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
(3) Ra nước ngoài để định cư;
(4) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
Trường hợp mắc bệnh được hưởng BHXH một lần được hướng dẫn tại Thông tư 56/2017/TT-BYT (sửa đổi tại Thông tư 18/2022/TT-BYT) như sau:
Ngoài trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn được hưởng BHXH một lần
(5) Trường hợp người lao động thuộc 01 trong các trường hợp sau đây khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu:
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.
II- MỨC HƯỞNG BHXH MỘT LẦN NĂM 2023
Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức hưởng BHXH một lần năm 2023 như sau:
**Đối với trường hợp tham gia BHXH bắt buộc:
Mức hưởng BHXH một lần năm 2023 được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:
- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;
- 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
- Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ 01 năm thì mức hưởng BHXH một lần được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng BHXH, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Riêng NLĐ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí có thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
**Đối với trường hợp tham gia BHXH tự nguyện:
Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:
- 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;
- 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
- Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
THAY ĐỔI TRONG HỒ SƠ KHÁM GIÁM ĐỊNH ĐỂ HƯỞNG BHXH MỘT LẦN
Hồ sơ khám giám định để hưởng BHXH một lần được quy định tại Thông tư 56/2017/TT-BYT(sửa đổi tại Thông tư 18/2022/TT-BYT) như sau:
(1) Giấy đề nghị khám giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT;
(2) Bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một hoặc nhiều các giấy tờ khám, điều trị bệnh, tật sau đây: Tóm tắt hồ sơ bệnh án, Giấy xác nhận khuyết tật, Giấy ra viện, sổ khám bệnh, bản sao Hồ sơ bệnh nghề nghiệp, Biên bản giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động đối với người đã được khám giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động;
(Từ ngày 15/02/2023, bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ sau đây:
- Tóm tắt hồ sơ bệnh án;
- Giấy xác nhận khuyết tật;
- Giấy ra viện;
- Sổ khám bệnh;
- Phiếu khám bệnh;
- Phiếu kết quả cận lâm sàng;
- Đơn thuốc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Hồ sơ bệnh nghề nghiệp;
- Biên bản giám định y khoa Lần gần nhất đối với người đã được khám giám định.)
(3) Một trong các giấy tờ: Chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu còn hiệu lực. Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì phải có Giấy xác nhận của Công an cấp xã có dán ảnh, đóng giáp lai trên ảnh và được cấp trong thời gian không quá 03 tháng tính đến thời điểm đề nghị khám giám định.
III- PHƯƠNG ÁN TRONG DỰ THẢO LUẬT BHXH (SỬA ĐỔI) CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI (BHXH) MỘT LẦN, SONG TỐI ĐA KHÔNG QUÁ 50% TỔNG THỜI GIAN ĐÓNG VÀO QUỸ HƯU TRÍ, TỬ TUẤT ĐƯỢC CHO LÀ CÒN BẤT CẬP.
BẤT CẬP VỀ PHƯƠNG ÁN RÚT BHXH MỘT LẦN
Bộ Tư pháp vừa có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) về việc góp ý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Một trong những nội dung Bộ Tư pháp góp ý liên quan đến nội dung BHXH một lần. Bộ Tư pháp cho biết, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu…”, đồng nghĩa với trường hợp người lao động sau 12 tháng mà thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm sẽ không được hưởng BHXH một lần.
“Quy định này nếu không làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích chính sách để người lao động hiểu được cặn kẽ ý nghĩa, mục đích của quy định mới có thể làm phát sinh những phản ứng không tốt như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Nhất là trong trường hợp người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn, gặp khó khăn và có nhu cầu nhận BHXH một lần để trang trải cuộc sống trước mắt” - Bộ Tư pháp cho biết.
Ngoài ra, theo Bộ Tư pháp, đối với phương án 2, ngoài việc có thời gian dưới 20 năm đóng BHXH thì dự thảo luật đã có quy định giới hạn người lao động chỉ được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu. Bộ Tư pháp cho rằng, quy định này là chưa rõ người lao động có tiếp tục được hưởng BHXH một lần nếu có yêu cầu hay không (trừ các trường hợp đã quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản 1 Điều này).
NGƯỜI LAO ĐỘNG BĂN KHOĂN
Chị Nguyễn Thị Hà (Thái Nguyên) năm nay 32 tuổi, chị có thời gian đóng bảo hiểm xã hội hơn 12 năm. Tháng 3.2023 vừa qua, do điều kiện gia đình, chị chủ động xin nghỉ việc. “Tôi dự định nghỉ một thời gian để chăm sóc con nhỏ được tốt hơn, sau đó sẽ kiếm công việc khác” - chị Hà nói.
Nữ công nhân này cũng đã cân nhắc đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Nguyên nhân là chị thấy tuổi nghỉ hưu của mình quá cao; để được nhận lương hưu, chị phải làm rất nhiều năm nữa.
Chị Hà cho rằng, người lao động hầu như ai cũng muốn về già có lương hưu, đảm bảo cuộc sống. Thế nhưng, không ít người lao động “cực chẳng đã” phải rút BHXH một lần, “gặt lúa non”, là vì muốn có một khoản tiền để giải quyết những khó khăn trước mắt...
Theo nữ công nhân này, nếu công nhân lao động chỉ được rút BHXH 1 lần không quá 50% thì sẽ rất khó khăn đối với không ít người, khi số tiền được nhận sẽ ít hơn so với quy định hiện hành.
“Ngoài ra, tôi cũng có chung thắc mắc với nhiều người là, nếu theo dự thảo, rút BHXH một lần 50% rồi, sau đó nếu có nhu cầu thì công nhân có được tiếp tục rút BHXH một lần nữa không? Điều này dự thảo luật chưa làm rõ” - chị Hà nói.
Nguồn: Sưu tầm