“Trạng thái tinh thần tốt nhất tồn tại khi bạn không bao giờ nghe thấy một từ nào về nó. Còn khi bạn nghe quá nhiều về nó, nó thường rất tồi tệ” (Dwight David Eisenhower 1890 – 1969)
Tinh thần, trong một cơ cấu tổ chức, là tập hợp các trạng thái, cảm xúc phổ biến, được chứng minh bởi thái độ tự tin, nhiệt tình, kỷ luật và khuynh hướng làm việc tốt hết sức có thể của một nhóm người. Tuy nhiên, tinh thần công sở thường khó nắm giữ, không kiên định và mang tính động lực.
Gần đây, giữa các nhà quản lý nhân sự có một niềm tin chung khá phổ biến rằng chỉ cần tỏ ra tử tế với nhân viên của bạn là có thể cải thiện được tinh thần của họ. Niềm tin này không có hại, nhưng thực tế là con người dành quá nhiều thời gian trong cuộc sống của mình cho công việc, do đó, để thúc đẩy tinh thần, người ta không chỉ cần nghi lễ hay những lời động viên.
Hơn thế nữa, hầu hết các nhà quản lý đều mặc định rằng một chiến dịch thúc đẩy tinh thần hiệu quả sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền, cho dù đó là kế hoạch khuyến khích tài chính, tăng lương hay danh sách những lợi ích xa xỉ. Chủ doanh nghiệp thường phàn nàn rằng con người chỉ chạy theo tiếng gọi của đồng tiền. Nhà tư vấn Roger E. Herman (2000) đã khẳng định rằng đó là một quan niệm sai lầm. “Tất cả các nghiên cứu đều đưa ra kết quả khác. Con người đang khao khát cơ hội được phát triển trong sự nghiệp của mình. Họ khao khát được tiến bộ, ở cả vị trí và tầm vóc, cơ hội và trách nhiệm”.
Nghiên cứu tiết lộ rằng cảm giác hài lòng thực sự - cảm giác có thể giúp mọi người luôn vui vẻ - thậm chí không thể mua được. Thay vào đó, việc ứng dụng một chút tâm lý học mang lại nhiều cơ hội thành công hơn mà tiêu tốn rất ít, thậm chí không tiêu tốn một chút chi phí nào trong việc thúc đẩy tinh thần làm việc.
(Sưu tầm)