ĐẠI LÝ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÓ PHẢI XIN GIẤY PHÉP VIỄN THÔNG KHÔNG?

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông thông qua hợp đồng đại lý ký với doanh nghiệp viễn thông để hưởng hoa hồng thì được miễn các loại giấy phép viễn thông; Doanh nghiệp có thể xem xét thuê đường truyền dẫn của doanh nghiệp viễn thông khác và sử dụng đường truyền dẫn đó để cung cấp dịch vụ dịch vụ ứng viễn thông cho khách hàng mà không phải xin giấy phép viễn thông.

Khoản 24 Điều 3 Luật Viễn thông 2009 quy định như sau:

“24. Đại lý dịch vụ viễn thông là tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông thông qua hợp đồng đại lý ký với doanh nghiệp viễn thông để hưởng hoa hồng hoặc bán lại dịch vụ viễn thông để hưởng chênh lệch giá”.

Như vậy, đại lý dịch vụ viễn thông thực hiện một trong các hoạt động sau đây:

  1. Cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông thông qua hợp đồng đại lý ký với doanh nghiệp viễn thông để hưởng hoa hồng; hoặc
  2. Bán lại dịch vụ viễn thông để hưởng chênh lệch giá.

Điều 15 Luật Viễn thông 2009 cũng quy định việc đại lý dịch vụ viễn thông được quyền cung cấp, bán lại dịch vụ viễn thông:

“Ngoài các quyền, nghĩa vụ quy định tại Luật thương mại, đại lý dịch vụ viễn thông còn có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

……

2. Thực hiện việc cung cấp, bán lại dịch vụ viễn thông theo quy định của Luật này;

……;

7. Cung cấp dịch vụ viễn thông theo chất lượng và giá cước trong hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông”.

Trong phần dưới đây, Goasone sẽ trao đổi kỹ hơn về các hoạt động của đại lý dịch vụ viễn thông:

1. Cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông thông qua hợp đồng đại lý ký với doanh nghiệp viễn thông để hưởng hoa hồng

Điều 11 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/04/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật viễn thông quy định như sau:

“Điều 11. Cung cấp dịch vụ viễn thông

1. Cung cấp dịch vụ viễn thông là việc sử dụng thiết bị, thiết lập hệ thống thiết bị viễn thông tại Việt Nam để thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình khởi phát, xử lý, chuyển tiếp, định tuyến, kết cuối thông tin cho người sử dụng dịch vụ viễn thông thông qua việc giao kết hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp viễn thông nhằm mục đích sinh lợi”.

Điều 25 Luật Viễn thông 2009 quy định việc cung cấp dịch vụ viễn thông như sau:

“1. Tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông phải có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 40 của Luật này.

2. Việc cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông phải theo các quy định của Luật này về kết nối, quản lý tài nguyên viễn thông, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Việc cung cấp dịch vụ viễn thông được thực hiện trực tiếp hoặc bán lại dịch vụ trên cơ sở hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông giữa doanh nghiệp viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông với người sử dụng dịch vụ viễn thông”.

Điều 40 Luật Viễn thông 2009 quy định các trường hợp miễn giấy phép viễn thông

Tổ chức, cá nhân hoạt động viễn thông được miễn giấy phép viễn thông trong các trường hợp sau đây:

1. Kinh doanh hàng hóa viễn thông;

2. Cung cấp dịch vụ viễn thông dưới hình thức đại lý dịch vụ viễn thông;

3. Thuê đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông;

4. Mạng viễn thông dùng riêng, trừ các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 5 Điều 24 của Luật này.

“Điều 34. Giấy phép viễn thông

1. Giấy phép viễn thông bao gồm giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông.

2. Giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm:

a) Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, có thời hạn không quá 15 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng;

b) Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, có thời hạn không quá 10 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng.

3. Giấy phép nghiệp vụ viễn thông bao gồm:

a) Giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển, có thời hạn không quá 25 năm được cấp cho tổ chức lắp đặt cáp viễn thông trên biển cập bờ hoặc đi qua vùng nội thủy, lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam;

b) Giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng, có thời hạn không quá 10 năm được cấp cho tổ chức thiết lập mạng dùng riêng;

c) Giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông, có thời hạn không quá 01 năm được cấp cho tổ chức thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông”.

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, nếu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông thông qua hợp đồng đại lý ký với doanh nghiệp viễn thông để hưởng hoa hồng thì được miễn các loại giấy phép viễn thông nêu trên.

2. Bán lại dịch vụ viễn thông để hưởng chênh lệch giá

Khoản 27 Điều 3 Luật Viễn thông 2009 quy định như sau

27. Bán lại dịch vụ viễn thông là việc doanh nghiệp viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông trên cơ sở thuê đường truyền dẫn hoặc mua lưu lượng viễn thông thông qua hợp đồng ký với doanh nghiệp viễn thông khác.”

Điều 12 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định về bán lại dịch vụ viễn thông như sau:

“1. Trước khi bán lại dịch vụ viễn thông cố định cho người sử dụng tại một địa điểm có địa chỉ và phạm vi xác định mà mình được quyền sử dụng hợp pháp, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, ký hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông với doanh nghiệp viễn thông.

2. Trước khi bán lại dịch vụ viễn thông cố định tại hai địa điểm trở lên có địa chỉ, phạm vi xác định mà mình được quyền sử dụng hợp pháp, trước khi bán lại dịch vụ viễn thông di động, doanh nghiệp phải có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể việc bán lại dịch vụ viễn thông”.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên, nếu doanh nghiệp bán lại dịch vụ viễn thông cố định cho người sử dụng tại một địa điểm có địa chỉ và phạm vi xác định mà doanh nghiệp được quyền sử dụng hợp pháp thì doanh nghiệp không phải có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông.

Tuy nhiên, doanh nghiệp phải có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông nếu rơi vào một trong hai trường hợp sau:

  1. Doanh nghiệp bán lại dịch vụ viễn thông cố định tại hai địa điểm trở lên có địa chỉ, phạm vi xác định mà doanh nghiệp được quyền sử dụng hợp pháp;
  2. Doanh nghiệp bán lại dịch vụ viễn thông di động.

Trong trường hợp doanh nghiệp chỉ có ý định thuê đường truyền để cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông mà không có ý định bán lại dịch vụ đường truyền đó cho khách hàng để hưởng chênh lệch giá, doanh nghiệp có thể xem xét áp dụng các quy định dưới đây cho đơn giản mà không cần phải xin cấp giấy phép viễn thông:

Điều 40 Luật Viễn thông 2009 quy định các trường hợp miễn giấy phép viễn thông

“Tổ chức, cá nhân hoạt động viễn thông được miễn giấy phép viễn thông trong các trường hợp sau đây:

1. Kinh doanh hàng hóa viễn thông;

2. Cung cấp dịch vụ viễn thông dưới hình thức đại lý dịch vụ viễn thông;

3. Thuê đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông;

4. Mạng viễn thông dùng riêng, trừ các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 5 Điều 24 của Luật này”.

Khoản 8 Điều 3 Luật Viễn thông 2009 quy định như sau:

“8. Dịch vụ ứng dụng viễn thông là dịch vụ sử dụng đường truyền dẫn viễn thông hoặc mạng viễn thông để cung cấp dịch vụ ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, thông tin, y tế, giáo dục và lĩnh vực khác”.

Khoản 2 Điều 25 Luật Viễn thông 2009 quy định việc cung cấp dịch vụ viễn thông như sau:

“1. Tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông phải có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 40 của Luật này.

2. Việc cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông phải theo các quy định của Luật này về kết nối, quản lý tài nguyên viễn thông, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, doanh nghiệp có thể xem xét thuê đường truyền dẫn của doanh nghiệp viễn thông khác và sử dụng đường truyền dẫn đó để cung cấp dịch vụ dịch vụ ứng viễn thông cho khách hàng. Trong trường hợp này, doanh nghiệp chỉ cần ký kết:

  1. Hợp đồng thuê đường truyền dẫn với doanh nghiệp viễn thông; và
  2. Hợp đồng dịch vụ với khách hàng.

mà không phải xin giấy phép viễn thông. Khi đó, trong hợp đồng dịch vụ với khách hàng, các bên sẽ thỏa thuận cụ thể việc chi trả tiền thuê và các chi phí liên quan đến việc thuê đường truyền dẫn. Tuy nhiên, doanh nghiệp không được thu thêm bất kỳ khoản chênh lệch giá nào để doanh nghiệp không bị coi là bán lại dịch vụ viễn thông.

 

Trên đây là nội dung trao đổi về vấn đề: “Đại lý dịch vụ viễn thông có phải xin giấy phép viễn thông không?”. Nếu còn vấn đề gì chưa rõ, Quý Độc giả vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ email: info@goasone.com để được giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

GOASONE & PARTNERS

 

Các tin tức khác

Contact Us

©2020 by Goasone