ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NGÀNH HÀNG KHÔNG TRONG ĐẠI DỊCH COVID

Một trong những giải pháp thiết thực để thúc đẩy tăng trưởng cho cả nền kinh tế, góp phần quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu đặt ra và giữ vững đà tăng trưởng những năm tới là hỗ trợ ngành hàng không. Trong hoàn cảnh hiện nay, những giải pháp về thuế, phí, giá là vô cùng cần thiết để hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp hàng không có thể chuyển đổi, tái cơ cấu thị trường, thậm chí chuyển đổi máy bay từ chở khách sang chở hàng.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nền kinh tế thế giới đã phải chịu nhiều thiệt hại to lớn, mà ngành đầu tiên chịu tác động nặng nề nhất chính là ngành vận tải hàng không. Theo báo cáo của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) về tình hình hoạt động hàng không trong năm 2020, lượng khách quốc tế và nội địa lần lượt giảm 1,38 tỷ và 1,32 tỷ hành khách, giảm 74% và 50% so với năm 2019 và làm sụt giảm doanh thu lần lượt 250 tỷ và 120 tỷ USD. Trước bối cảnh khủng hoảng của ngành hàng không thế giới, ngành hàng không Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động của đại dịch COVID-19. Trong báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, với ngành hàng không, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thị trường sụt giảm nghiêm trọng nhất, nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm 34,5 - 65,9%, doanh thu các doanh nghiệp hàng không giảm 61% so với năm 2019. Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways dù đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản trong năm 2020, tuy nhiên dự báo hoạt động của 2 hãng bay tư nhân này tiếp tục khó khăn trong năm 2021, các hãng dẫn hết nguồn lực tài chính để hỗ trợ dịch vụ vận tải hàng không.

Dịch bệnh khiến doanh thu ngành hàng không giảm sút nghiêm trọng: 80-90% máy bay của ngành nằm tại sân bay trong mùa cao điểm; doanh thu của ngành chỉ đạt 10-20%; vận chuyển hành khách năm 2020 giảm gần 50% so với năm 2019; điều hành bay 6 tháng đầu năm 2021 giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2020; vận chuyển chỉ đạt 13,5 triệu hành khách, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2020.... Không chỉ vậy, đại dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ dịch vụ vận tải của các hãng hàng không.

Chính phủ các nước đã có những chiến lược “giải cứu” nhất định để hỗ trợ các hãng hàng không. Tính đến cuối năm 2020, chính phủ các nước đã hỗ trợ các hãng hàng không hơn 200 tỷ USD và tiếp tục "bơm" thêm khoảng 80 tỷ USD. Việt Nam cũng đã có những chính sách ưu đãi kịp thời hỗ trợ ngành hàng không trong nước vượt qua cơn khủng hoảng này. Cụ thể là:

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC quy định giảm mức thu 30 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cụ thể, 29 khoản phí và lệ phí đã giảm trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 và bổ sung giảm thêm mức thu một khoản phí trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, nhiều lĩnh vực có mức giảm cao, như giảm 50% mức thu 20 - 22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách, giảm 20% mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không... Cụ thể, thời gian giảm phí, lệ phí áp dụng kể từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2021 với số giảm thu từ phí, lệ phí trong 6 tháng ước khoảng 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo Công văn số 13349/BTC-CST ngày 23/11/2021 của Bộ Tài chính, doanh nghiệp ngành hàng không và các doanh nghiệp khác chịu tác động của dịch Covid-19 đang được hưởng nhiều gói hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, chẳng hạn:

- Được giảm 30% thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay (theo Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14, Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Theo đó, mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay là: 2.100 đồng/lít được áp dụng từ ngày 01/8/2020 đến hết ngày 31/12/2021, và 3.000 đồng/lít từ ngày 01/01/2022.

- Được giảm 30% thuế thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cả năm 2021; giảm 30% thuế giá trị gia tăng (GTGT) tháng 11 và 12/2021; miễn tiền chậm nộp năm 2020, 2021 (theo Điều 1 Nghị định 92/2021/NĐ-CP hướng dẫn Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15). Cụ thể là, giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019; giảm 30% thuế GTGT từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc một số ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid 19, trong đó có vận tải hàng không; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020, 2021 đối với các doanh nghiệp phát sinh lỗ trong năm 2020.

- Được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi riêng 0% đối với vật tư, phụ tùng máy bay thuộc mã hàng 9820.00.00 (theo quy định tại Nghị định 57/2020/NĐ-CP của Chính phủ). Cụ thể là, về mức thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành, hàng hóa nhập khẩu là các phụ tùng và vật tư dùng cho máy bay thuộc nhóm 9820.00.00 có mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng là 0%; về cách thức phân loại điều kiện, thủ tục để được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng ghi tại Chương 98, báo cáo kiểm tra quyết toán việc sử dụng hàng hóa được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng.

Các hỗ trợ của Chính phủ đối với ngành hàng không còn bao gồm: giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, miễn giảm lãi phí vay, tháo gỡ khó khăn về vốn.... Đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), gói giải pháp hỗ trợ 12.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua để bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho Vietnam Airlines. Vietnam Airlines cũng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với dịch Covid như: Tổ chức lại sản xuất phù hợp với quy mô thị trường; tiết kiệm, cắt giảm chi phí; tái cơ cấu và tổ chức lại lao động; chủ động tìm kiếm và tận dụng mọi cơ hội để tăng doanh thu như đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, bay thuê chuyến chở hành khách hồi hương và các chuyên gia...

Các tin tức khác

Contact Us

©2020 by Goasone