Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực kể từ 01/01/2021 và thay thế cho Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (sau đây gọi là “Luật Chứng khoán 2006, sửa đổi năm 2010” hoặc “Luật cũ”).
Luật Chứng khoán 2019 sẽ tác động đến nhiều đối tượng như các tổ chức đầu tư chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán, tổ chức lưu ký và bù trừ chứng khoán, ngân hàng giám sát, tổ chức phát hành chứng khoán. Tuy nhiên, Bản tin pháp luật số này sẽ tập trung vào những điểm mới của Luật có tác động đến hoạt động của doanh nghiệp.
1. Một số khái niệm mới của Luật
Luật Chứng khoán năm 2019 đã sửa lại một số khái niệm, trong đó đáng chú ý là các khái niệm sau đây:
a. Khái niệm “chứng khoán”: Theo Luật Chứng khoán cũ, chứng khoán được coi là bằng chứng xác nhận quyền tài sản của người sở hữu. Luật Chứng khoán mới đã sửa khái niệm này thành “chứng khoán là một loại tài sản”[1]. Mặc dù khái niệm của luật mới không trái với quy định của Bộ luật dân sự nhưng dường như cách định nghĩa này chưa thỏa mãn được các ý kiến góp ý và bình luận của các chuyên gia, nhà làm luật trong quá trình soạn thảo luật.[2] Tuy nhiên, đứng dưới góc độ người thi hành pháp luật, có thể tạm chấp nhận cách định nghĩa mới trong bối cảnh pháp luật dân sự đang tiếp tục trong quá trình hoàn thiện.
Điểm đáng lưu ý trong khái niệm mới này là việc bổ sung các công cụ tài chính được coi là chứng khoán, bao gồm chứng quyền có bảo đảm, chứng chỉ lưu ký, chứng khoán phái sinh, đồng thời loại bỏ hợp đồng góp vốn đầu tư khỏi khái niệm “chứng khoán”. Về bản chất, đây không phải là một quy định mới, do các sản phẩm tài chính nêu trên đã được quy định tại Thông tư số 107/2016/TT-BTC hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có bảo đảm, Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Chứng khoán, Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh. Luật mới chỉ thể chế hóa các quy định tại văn bản dưới luật ngay tại luật.
b. Khái niệm “nhà đầu tư chiến lược”: Khái niệm “nhà đầu tư chiến lược” được sử dụng để xác định đối tượng được mua chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Theo đó, nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư phải thỏa mãn hai điều kiện sau (i) được Đại hội đồng cổ đông lựa chọn theo các tiêu chí về năng lực tài chính, trình độ công nghệ và (ii) có cam kết hợp tác với công ty trong thời gian ít nhất 03 năm.[3] Trong 03 năm cam kết này, nhà đầu tư chiến lược bị hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ.[4]
c. Khái niệm “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”: Khái niệm “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được sử dụng để xác định đối tượng được mua chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và đối tượng được thành lập quỹ đầu tư chứng khoán. So với quy định của Luật cũ, Luật mới bổ sung định nghĩa chung về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nghĩa là “nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán” và bổ sung các đối tượng sau[5]:
- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tổ chức tài chính nhà nước;
- Công ty có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch;
- Người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán;
- Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 02 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
- Cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 01 tỷ đồng tính đến thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế hoặc chứng từ khấu trừ thuế của tổ chức, cá nhân chi trả.
Như vậy, Luật Chứng khoán 2019 đã mở rộng phạm vi đối tượng được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đến các tổ chức, cá nhân dựa trên hai tiêu chí là “có năng lực tài chính” (công ty có vốn điều lệ đã góp trên 100 tỷ đồng, cá nhân có thu nhập chịu thuế từ 01 tỷ đồng, cá nhân có danh mục chứng khoán có giá trị từ 02 tỷ đồng) và “có trình độ chuyên môn” (người có chứng chỉ hành nghề, tổ chức tài chính quốc tế, quỹ tài chính, tổ chức tài chính).
Bên cạnh quy định trên, Luật cũng giao cho Chính phủ quy định chi tiết về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
d. Khái niệm “người nội bộ”: Đây là một khái niệm mới của Luật Chứng khoán 2019 và được sử dụng để xác định nghĩa vụ công bố thông tin của cá nhân, tổ chức và cũng là một căn cứ để xác định người có liên quan. Người nội bộ là những người giữ vị trí quan trọng trong bộ máy của doanh nghiệp, do đó họ có khả năng trực tiếp biết được các thông tin nội bộ của doanh nghiệp. Đó là các cá nhân sau[6]:
- Người nội bộ của doanh nghiệp là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng thành viên, người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc), Giám đốc tài chính, Kế toán trưởng và các chức danh quản lý tương đương do Đại hội đồng cổ đông bầu hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm; Trưởng Ban kiểm soát và thành viên Ban kiểm soát (Kiểm soát viên), thành viên Ban kiểm toán nội bộ; thư ký công ty, người phụ trách quản trị công ty, người được ủy quyền công bố thông tin;
- Người nội bộ của quỹ đại chúng hoặc công ty đầu tư chứng khoán đại chúng là thành viên Ban đại diện quỹ đại chúng, thành viên Hội đồng quản trị công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, người điều hành quỹ đại chúng, người điều hành công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, người nội bộ của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
đ. Khái niệm “người có liên quan”: Khái niệm “người có liên quan” tại Luật Chứng khoán 2019 có sự thay đổi cơ bản về nội dung và cách định nghĩa. Về cách định nghĩa, thay vì liệt kê chung chung các trường hợp có liên quan mà không nói rõ đó là mối quan hệ giữa ai và ai như Luật cũ thì Luật mới đã liệt kê các mối quan hệ có liên quan một cách cụ thể. Về phạm vi người có liên quan, Luật mới bổ sung nhiều đối tượng hơn, bao trùm cả người có liên quan trong Luật Doanh nghiệp. Luật quy định cụ thể về những người có liên quan đến nhau như sau[7]:
- Doanh nghiệp và người nội bộ của doanh nghiệp đó; quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng và người nội bộ của quỹ đại chúng hoặc công ty đầu tư chứng khoán đại chúng đó;
- Doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân sở hữu trên 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết hoặc vốn góp của doanh nghiệp đó;
- Tổ chức, cá nhân mà trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân khác trực tiếp, gián tiếp kiểm soát hoặc bị kiểm soát bởi tổ chức, cá nhân đó hoặc cùng với tổ chức, cá nhân đó chịu chung một sự kiểm soát;
- Cá nhân và bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của cá nhân đó;
- Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán do công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán đó quản lý;
- Quan hệ hợp đồng trong đó một tổ chức, cá nhân là đại diện cho tổ chức, cá nhân kia;
- Tổ chức, cá nhân khác là người có liên quan theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Việc mở rộng khái niệm “người có liên quan” nêu trên có nghĩa rằng luật đã thắt chặt quy định về điều kiện đối với các giao dịch liên quan đến những người này, nâng yêu cầu thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin để tăng tính minh bạch, lành mạnh của thị trường, ngăn ngừa hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
2. Chào bán chứng khoán ra công chúng[8]
Luật Chứng khoán 2019 đã bổ sung nhiều quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng theo hướng thắt chặt hơn các điều kiện này. Luật cũng tách bạch điều kiện đối với chào bán cổ phiếu lần đầu và điều kiện chào bán thêm cổ phiếu. Bốn nội dung đáng lưu ý về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng bao gồm:
(i) Điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần
(ii) Điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng
(iii) Điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng
(iv) Điều kiện chào bán trái phiếu chuyển đổi ra công chúng.
Thứ nhất, đối với chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần, không kể các điều kiện khác, Luật mới sửa đổi, bổ sung các điều kiện đáng lưu ý như sau:
- Nâng điều kiện về vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng[9].
- Yêu cầu tổ chức phát hành trong 02 năm hoạt động liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi (thay vì 01 năm như luật cũ), đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.
- Yêu cầu tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành;
- Cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán;
- Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;
- Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.
Thứ hai, đối với chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng, cần lưu ý một số điều kiện sau:
- Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán;
- Giá trị cổ phiếu phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành tính theo mệnh giá, trừ trường hợp có bảo lãnh phát hành với cam kết nhận mua toàn bộ cổ phiếu của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số cổ phiếu còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành, phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành để hoán đổi, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp;
- Đối với đợt chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành, cổ phiếu được bán cho các nhà đầu tư phải đạt tối thiểu là 70% số cổ phiếu dự kiến chào bán. Tổ chức phát hành phải có phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán để thực hiện dự án.
Thứ ba, đối với chào bán trái phiếu ra công chúng, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều kiện:
- Nâng điều kiện về vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng
- Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác;
- Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;
- Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;
- Có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng;
- Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán;
- Tổ chức phát hành có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.
Thứ tư, đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi ra công chúng, tổ chức phát hành phải đáp ứng điều kiện như điều kiện đối với phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng, đồng thời phải có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác.
Về hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, Luật có yêu cầu thêm một số văn bản trong hồ sơ để tương thích với quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng nêu trên.
Về quy trình chào bán chứng khoán ra công chúng, các mốc thời gian trong quy trình chào bán chứng khoán ra công chúng về cơ bản không có thay đổi đáng kể so với luật cũ.
Ngoài ra, Luật cũng giao Chính phủ quy định về điều kiện, hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng để chuyển doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; chào bán cổ phiếu với giá thấp hơn mệnh giá; chào bán chứng khoán ra công chúng của cổ đông công ty đại chúng; chào bán chứng khoán ra công chúng của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; chào bán chứng khoán ra nước ngoài và các trường hợp chào bán, phát hành khác.
3. Chào bán chứng khoán riêng lẻ
Luật Chứng khoán 2019 đã phân định rõ luật điều chỉnh đối với các trường hợp chào bán chứng khoán riêng lẻ, nghĩa là trường hợp tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng thì luật điều chỉnh là Luật Doanh nghiệp[10]; trường hợp tổ chức phát hành là công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thì luật điều chỉnh là Luật Chứng khoán.
Theo quy định của Luật mới, thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu kèm chứng quyền, trái phiếu chuyển đổi phát hành theo hình thức riêng lẻ đối với nhà đầu tư chiến lược là 03 năm, đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là 01 năm, trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.[11]
Đối với chào bán trái phiếu riêng lẻ (không phải là trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền) của công ty đại chúng, tổ chức phát hành cần lưu ý các điều kiện sau[12]:
- Đối tượng mua trái phiếu riêng lẻ chỉ bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
- Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã chào bán hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt chào bán trái phiếu (nếu có), trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho các chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn;
- Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận;
- Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật (nếu có).
Quy định này cũng sẽ được hướng dẫn bởi một Nghị định của Chính phủ.
[1] Khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019
[2] Một số chuyên gia cho rằng khái niệm này chưa nêu được bản chất pháp lý của chứng khoán.
[3] Khoản 17 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019
[4] Điều 31 Luật Chứng khoán 2019
[5] Điều 11 Luật Chứng khoán 2019
[6] Khoản 45 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019
[7] Khoản 46 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019
[8] Điều 15 Luật Chứng khoán 2019
[9] Điểm a khoản 1 Điều 15
[10] Điều 30 Khoản 45 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019
[11] Điểm c khoản 1 Điều 31 Luật Chứng khoán 2019