Thăng hoa …
Năm 2016, ROS với vốn điều lệ 4.300 tỉ đồng, niêm yết 430 triệu cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM.
Kể từ khi niêm yết ROS có những pha tăng điểm bất chấp mọi quy luật thị trường. Một tháng sau khi chào sàn cổ phiếu này đã tăng 225% với tổng cộng 20 phiên tăng trần. Cổ phiếu ROS cũng tạo ra kỷ lục trên sàn giao dịch chứng khoán, khi sở hữu đà tăng 35 phiên giao dịch liên tiếp.
Tháng 5-2017 sau khi ông Quyết (nắm hơn 2/3 cổ phần của ROS) chính thức được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch HĐQT ROS, giá cổ phiếu ROS tiếp tục được thổi lên cao và lập đỉnh ở mức 170.000 đồng chỉ vài tháng sau đó.
Thị giá cổ phiếu đạt đỉnh giúp ROS xếp thứ 6 trong nhóm doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE trong năm 2017, với 75.465 tỉ đồng, trên cả cổ phiếu của Vietinbank (66.649 tỉ đồng); BIDV (56.067 tỉ đồng) hay Tập đoàn Masan (49.572 tỉ đồng).
Bản chất …
Hành trình lập đỉnh của ROS ấn tượng bao nhiêu thì quá trình lao dốc cũng gây sốc bấy nhiêu. Trong lịch sử giao dịch của HOSE chưa có doanh nghiệp nào thay đổi chóng mặt đến mức chỉ 12 phiên bốc hơi gần 50% giá trị cổ phiếu. Không chỉ vậy, diễn biến giá cổ phiếu ROS thay đổi không liên quan gì đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Từ mức chào sàn hơn 9.500 đồng (giá điều chỉnh), ROS tăng lên cao nhất gần 170.000 đồng ngày 2-11-2017.
Quý 3-2019 ROS liên tục thiết lập các kỷ lục về thanh khoản. Đột nhiên thời gian sau đó, dòng tiền này mất hút khiến cổ phiếu giảm sàn liên tục, cổ đông muốn tháo chạy cũng không xong.
Đến năm 2020, ROS giảm xuống mức 4.000 đồng.
Và hôm nay…
Sau hành động "bán chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC của chủ tịch Trịnh Văn Quyết trong phiên giao dịch ngày 10/1, cổ phiếu mang thương hiệu chủ tịch Trịnh Văn Quyết (FLC, ROS, KLF, HAI, AMD, ART) đã liên tục lao dốc, giảm sàn mất thanh khoản. Cổ phiếu FLC sau 02 phiên thanh khoản kỷ lục (ngày 10/01 giao dịch hơn 135 triệu đơn vị với tổng giá trị trên 3.100 tỷ đồng; ngày 11/01 giao dịch gần 155 triệu cổ phiếu được sang tay (gần 22% vốn công ty)), mất thanh khoản liên tiếp các phiên sau đó, giảm 29% tính đến ngày 14/01.
Mặc dù, ngày 11/01, các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết bị phong tỏa theo quyết định của UBCKNN; HoSE đã huỷ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, hoàn trả tiền cho các tài khoản đã mua đối ứng, nhưng nỗi đau của những nhà đầu tư chót trở thành cổ đông, nhà đầu cơ cổ phiếu của chủ tịch Quyết thì ngày càng sâu hơn khi mỗi ngày chứng kiến tài khoản bốc hơi 7%, chưa thấy dấu hiệu kết thúc.
Tình trạng mất thanh khoản của các cổ phiếu họ chủ tịch Quyết không chỉ bào mòn dần tài khoản của các cổ đông của anh Quyết, mà còn ảnh hưởng đến cả thị trường chứng khoán khi hiện tượng giải chấp tài khoản đã xuất hiện ở nhiều công ty chứng khoán do không thể giải chấp cổ phiếu họ chủ tịch Quyết, đà bán lan rộng sang nhiều cổ phiếu khác khiến thị trường bán tháo trên diện rộng ngày 17/01. Đóng cửa, VN-Index giảm 43,18 điểm (2,89%) còn 1.452,84 điểm, HNX-Index giảm 21,52 điểm (4,61%) xuống 445,34 điểm, UPCoM-Index giảm 2,86 (2,55%) về 109,36 điểm.
Câu chuyện về chủ tịch Quyết rồi cũng sẽ qua đi theo thời gian, cũng như câu chuyện lần thứ nhất về cổ phiếu ROS năm nào. Ai cũng hiểu về cổ phiếu đầu cơ, nhưng vẫn chỉ là một cái tặc lưỡi bấm nút buy trước sự hưng phấn của thị trường…